Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng và xu hướng phân tầng xã hội hợp thức và không hợp thức hiện nay
Thứ hai, 28 Tháng 11 2016 08:54
7152 Lượt xem

Thực trạng và xu hướng phân tầng xã hội hợp thức và không hợp thức hiện nay

(LLCT) - Phân tầng xã hội (PTXH) là hiện tượng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh những vấn đề mang tính quy luật nói chung và là kết quả trực tiếp của kinh tế thị trường. Hiện tượng này diễn ra trong phạm vi cả nước, ở cả nông thôn và thành thị, đồng bằng và miền núi, trong nội bộ mỗi giai cấp và giữa các tầng lớp. Nơi nào kinh tế phát triển, thị trường hàng hóa sôi động thì ở đó PTXH diễn ra mạnh mẽ, nơi nào sản xuất hàng hóa chưa phát triển thì ở đó PTXH còn mờ nhạt.

 

PTXH hợp thức là một cấu trúc tầng bậc xã hội được hình thành trên cơ sở của sự khác biệt tự nhiên của các cá nhân về tài, đức, sự cống hiến, đóng góp thực tế của họ cho xã hội. PTXH hợp thức phản ánh quy luật phát triển xã hội vừa phù hợp với đạo lý, pháp lý và các chuẩn mực, giá trị của xã hội trong hiện tại, vừa phù hợp với quy luật và xu hướng phát triển đi lên của văn hóa, văn minh; vừa phản ánh một trật tự của công bằng xã hội, vừa phản ánh những khát vọng của nhân loại tiến bộ và tất cả những ai có tư duy lành mạnh, bình thường trong xã hội(1)

PTXH không hợp thứclà cấu trúc “đối nghịch” với PTXH hợp thức, được hình thành không phải do sự khác biệt về tài, đức, về sự cống hiến thực tế của mỗi cá nhân, tổ chức cho xã hội mà do làm ăn phi pháp, trốn, lậu thuế, tham nhũng, chạy quyền, chạy chức... Cấu trúc này tuy không lấn át cấu trúc phân tầng hợp thức song nó là giặc “nội xâm”, là kẻ thù của văn hóa, văn minh xã hội, là kẻ đi ngược lại con đường mà Đảngta, Chủ tịch Hồ Chí Minhvà nhân dân ta đã chọn và đang quyết tâm xây dựng(2).

Khảo sát nhận thức và thái độ của xã hội đối với PTXH tại quận Ba Đình được thực hiện tại 2 phường là phường Điện Biên (chủ yếu là trí thức) và phường Phúc Xá (phần đông là lực lượng lao động chân tay) sẽ có cái nhìn toàn diện về PTXH của người dân trong quận. Kết quả khảo sát thực trạng PTXH tại địa bàn 2 phường còn phụ thuộc vào một số yếu tố liên quan đến tính đa dạng về ngành nghề của người tham gia khảo sát (trong đó có 11,7% người làm công việc liên quan đến lãnh đạo, quản lý và 12,8% người làm công việc văn phòng).

1. Nhận thức của người dân về phân tầng xã hội hợp thức và không hợp thức

Những người giàu có, thành đạt ở địa phương có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, tập trung ở nhóm những người có trình độ học vấn từ đại học trở lên (41,9%), có trình độ chuyên môn kỹ thuật nghề nghiệp cao (41,4%), những người lao động, tháo vát (51,3%), những người kinh doanh giỏi (45%)... Thực tế này là minh chứng cho xu hướng PTXH hợp thức đang diễn ra khá tích cực trên địa bàn Quận. Tuy nhiên,qua khảo sát cho thấyvẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân không đi lên bằng năng lực mà thông qua các công việc không chính đáng: buôn lậu, trốn thuế, làm ăn phi pháp (13,1%), tham nhũng (18,8%), chạy chức, chạy quyền (16,8%)... Qua đó cho thấy, xu hướng PTXH không hợp thức này luôn tồn tại và đan xen với  PTXH hợp thức ở địa phương. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để hạn chế sự PTXH không hợp thức này.

Khi được hỏi về xu hướng PTXH của địa phương hiện nay, có 46% số người được hỏi cho rằng, có “ngày càng nhiều người giàu có, thành đạt nhờ làm ăn hợp pháp, hợp thức, chính đáng” và 28,5% số người được hỏi cho rằng, có “ngày càng nhiều người giàu có, thành đạt nhờ làm ăn hợp pháp, hợp thức và chính đáng nhiều hơn người giàu có, thành đạt nhờ làm ăn không hợp pháp, chính đáng”. Qua thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu cá nhân, nhiều người cho rằng, những người thành đạt bằng chính năng lực và làm ăn hợp pháp thường là những người thể hiện rất công khai, minh bạch, do đó có thể dễ dàng nhận diện xu hướng PTXH hợp thức này.

2. Thái độ của người dân đối với sự PTXH

Thái độ của người dân đối với PTXH ở địa phương là một trong những chỉ báo để đánh giá nhận thức của người dân đối với hiện tượng PTXH, được biểu hiện qua: (1) thái độ của người dân đối với xu hướng PTXH; (2) thái độ của người dân đối với những người thành đạt.

Thái độ của người dân đối với xu hướng PTXH. Khảo sát tại địa bàn cho thấy, người dân có thái độ rất rõ ràng đối với PTXH hợp thức và PTXH không hợp thức. Có 76,2% số người được hỏi “rất ủng hộ” và “ủng hộ” xu hướng “ngày càng nhiều người giàu có, thành đạt nhờ làm ăn hợp pháp, hợp thức, chính đáng” và 63,2% người được hỏi “ủng hộ” và “rất ủng hộ” xu hướng: “người giàu, thành đạt nhờ làm ăn chính đáng, hợp pháp nhiều hơn người giàu, thành đạt nhờ làm ăn không hợp pháp”. Trong khi đó, chỉ có 4,1% số người được hỏi “rất ủng hộ” xu hướng “ngày càng nhiều người giàu lên nhờ làm ăn bất hợp pháp, không chính thức” và  không có người nào “ủng hộ” xu hướng “người giàu, thành đạt nhờ làm ăn không chính đáng nhiều hơn người giàu thành đạt nhờ làm ăn chính đáng”.

Qua thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu cá nhân tại địa bàn, đa số người được hỏi đều cho rằng, những người làm ăn hợp pháp, làm giàu chính đáng là những người có đóng góp tích cực cho địa phương, sự thành công của họ có ích cho xã hội. Thực tế cho thấy, có rất nhiều người làm giàu bằng cái tâm, cái đức của họ và nhờ thế, đóng góp được rất nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, những người làm ăn phi pháp, thường chỉ làm phương hại đến lợi ích của người khác, thậm chí làm tổn thất kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Do đó, xã hội cần lên án, loại bỏ những hành vi làm giàu trái pháp luật, tôn vinh, ủng hộ những người làm giàu chính đáng bằng năng lực của mình.

Thái độ của người dân đối với những người thành đạt. Phân tích số liệu khảo sát cho thấy, người dân tỏ rõ thái độ đối với những cá nhân thành đạt bằng những việc làm chính đáng và không chính đáng. Có 91,3% số người được khảo sát có thái độ “rất ủng hộ” “những người vượt khó làm giàu”; 79% số người được hỏi trả lời “rất ủng hộ” “những người thành đạt nhờ nỗ lực, siêng năng, sáng tạo”; 59,6% số người được hỏi có thái độ “rất ủng hộ” “những người thành đạt, thăng tiến và giàu có nhờ tài năng, đức độ và sự đóng góp thực tế cho xã hội”; và 47,2% số người có thái độ ủng hộ “những người thành đạt, thăng tiến, giàu có dựa trên những quan hệ rộng rãi”. Bên cạnh đó, có 96,9% số người được hỏi có thái độ không ủng hộ “những người thành đạt nhờ làm ăn trái phép, trốn, lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái” và 93,3% “không ủng hộ” “những người thành đạt nhờ lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. 

Như vậy, thái độ của người dân ủng hộ và không ủng hộ rất rõ ràng đối với những người làm giàu chính đáng và những người làm giàu không chính đáng. Do đó, cần có những biện pháp và cơ chế cho người dân bày tỏ quan điểm đối với các họat động kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương, góp phần phát hiện những tấm gương tốt, lên án và tố giác những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia và địa phương, đồng thời sẽ hạn chế được PTXH không hợp thức và phát huy PTXH hợp thức ở địa phương.

Cuộc khảo sát về PTXH hợp thức và không hợp thức ở quận Ba Đình cũng cho thấy một điều khá tế nhị: dường như nhóm lãnh đạo, quản lý - những người có chức, quyền ít được quý trọng, nể phục hơn nhóm những người thực tài, cần cù chịu khó, có đạo đức, nhân cách, thành đạt, giàu có một cách hợp  pháp, hợp thức.

Phân tích Biểu đồ 1 cho thấy, có 88,2% số người được khảo sát cho rằng “những người sống giản dị, trong sạch và lành mạnh” và 75,4% cho rằng, “những người có tài năng, có đóng góp cho địa phương” thuộc nhóm người được xã hội kính nể; chỉ có 43,1% số người được hỏi trả lời “những người có chức quyền” là nhóm người được xã hội kính nể. Điều này cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, những người có địa vị cao về kinh tế, chính trị chưa hẳn là những người có uy tín trong xã hội.

Trên cơ sở phân tích một cách tổng quan về PTXH hợp thức và PTXH không hợp thức tại địa bàn quận Ba Đình, các nhà quản lý cần có những biện pháp giáo dục và khơi dậy lòng nhân ái, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước ta phát triển bền vững.

Như vậy, PTXH đang diễn ra trên theo cả hai xu hướng hợp thức và không hợp thức. Thái độ của người dân là ủng hộ và tin tưởng vào xu thế ngày càng phát triển của PTXH hợp thức, đồng thời không đồng tình với PTXH không hợp thức, coi đó là nguồn gốc của bất bình đẳng và bất công trong xã hội. Do đó, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội cần khẳng định sự hiện diện và ủng hộ sự phát triển của PTXH hợp thức, làm cho cấu trúc PTXH hợp thức trở thành trật tự xã hội chiếm ưu thế trong toàn xã hội; mặt khác mọi ngành, mọi cấp và toàn thể nhân dân phải kiên quyết đấu tranh đẩy lùi PTXH không hợp thức, có như vậy mới xây dựng được một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1), (2) Xem: “Phân tầng xã hội từ sự tổng - tích hợp các lý thuyết xã hội học phương Tây và một số gợi mở về Công bằng xã hội”, Tạp chí Xã hội học, số 4/2014, tr.16.

 

GS, TS Nguyễn Đình Tấn

ThS Nguyễn Thị Thanh Hương

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền