Trang chủ    Thực tiễn    Xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015: thực trạng và giải pháp
Thứ sáu, 18 Tháng 11 2016 08:29
2688 Lượt xem

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015: thực trạng và giải pháp

(LLCT) Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả, đời sống của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn chuyển biến theo hướng tích cực.Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, tổng diện tích tự nhiên 3541 km2, dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó trên 70% sống ở khu vực nông thôn; có 9 đơn vị hành chính gồm 6 huyện, 2 thành phố và 1 thị xã; 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 140 xã (năm 2011 có 143 xã).Năm 2011, đạt 4,8 tiêu chí/xã (xã cao nhất là 12 tiêu chí); số xã dưới 10 tiêu chí là 138/143 (chiếm 96,5%); số xã từ 10 tiêu chí trở lên 05/143 (chiếm 3,5%). Thu nhập bình quân ở khu vực nông thônlà14,28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao:20,57%.Kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, Tỉnh đạt được một số kết quả:

Một là, công tác lập quy hoạch, xây dựng các đề ánđược coi trọng.Đầu năm 2011, cả tỉnh chỉ có 02 xã (xã Lâu Thượng, Phú Thượng, huyện Võ Nhai) được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Với nỗ lực, quyết tâm cao, đến hết năm 2012, 143/143 xã trên địa bàn đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy chế quản lý quy hoạch, được Trung ương đánh giá là một trong các tỉnh hoàn thành tiêu chí quy hoạch sớm nhất trong khu vực. 100% xã có Đề án xây dựng NTM, đề án phát triển sản xuất.Tổng số vốn đã huy động đượclà:4721,2 tỷ đồng đểđầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn;trong đó,nhân dân đóng góp 887,3 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2015, Uỷ ban Nhân dântỉnh đã quyết định công nhận 40 xã đạt chuẩn (chiếm 27,97%), bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã (tăng 8,8 tiêu chí/xã so với năm 2011), không còn xã dưới 6 tiêu chí. Trong đó:8 xãđạttiêu chí khá; 25 xã đạt tiêu chí trung bình; 7 xã tiêu chí đạt thấp.

Hai là, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân. Đây là nội dung cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM, sau5 năm, đời sống người dân nông thôn đã có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân tăng từ 14,28 triệu đồng (2010) lên 22 triệu đồng/người/năm(2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,57% còn 7,06 %; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56 %.Hằng năm, Tỉnh bố trí trên 50 tỷ đồng để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển sản xuất nông nghiệpnhư: Đề án “Phát triển khuyến nông”, Đề án “Phát triển chăn nuôi”, Đề án “Trồng và chế biến tiêu thụ chè”. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, mỗi năm cấp huyện đã có Nghị quyết hỗ trợ cho nông nghiệp trên 30 tỷ đồng.Các tổ chức sản xuất: tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề…cũng được đẩy mạnh phát triển.Toàn tỉnh có: 715 trang trại, 350 hợp tác xã (trong đó 176 HTX nông nghiệp), 606 doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn.

Ba là, kết cấu hạ tầngđược cải thiện. Sau 5 năm thực hiện Chương trình đã góp phần phát triển nhanh hệ thống giao thông, thủy lợi, thiết chếvăn hóa... tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư. Kết quả thực hiện đến hết năm 2015 như sau:

Về giao thông: Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 4075 km đường giao thông nông thôn.Trong đó xây mới 1.195 km; cải tạo, nâng cấp 2.881 km.51 xã đạt chuẩn tiêu chí (chiếm 35,7%), tăng 50 xã so với năm 2011.

Về thủy lợi: Xây mới và cải tạo 207,5 km kênh mương thuỷ lợi do xã quản lý (trong đó xây mới 97,1 km; cải tạo, nâng cấp: 110,4 km); đã có 78 xã đạt chuẩn tiêu chí (54,5%), tăng 54 xã so với năm 2011.

Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp204 trạm điện, 686 km đường điện; 11 điểm bưu điện văn hoá xã; 313 trường học; 75 trạm y tế xã; 77 trụ sở xã; 57 nhà văn hoá và khu thể thaoxã; 498 nhà văn hoá và khu thể thaoxóm; 16 chợ nông thôn; 49 nghĩa trang; 41 khu xử lý rác thải; 72 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 55 công trình vệ sinh tại các trường học; 28.284 công trình vệ sinh hộ gia đình.

Đến nay có 130 xã đạt chuẩn tiêu chí điện (90,9%), tăng 63 xã so với năm 2010; 143 xã đạt chuẩn tiêu chí bưu điện (100%), tăng 61 xã; 77 xã đạt chuẩn tiêu chí nhà ở dân cư (53,8%), tăng 64 xã so với năm 2011.

Bốn là, giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học được nâng cao:114 xã đạt tiêu chí trường học (79,7%, tăng 83 xã so với năm 2011); 107 xã đạt tiêu chí giáo dục (74,8%, tăng 74 xã so với năm 2011). Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở khu vực nông thôn. Từ năm 2011 đến hết năm 2015đã có 93/143 xã (65,0%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, 50 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2001 - 2010. Đến nay 143/143 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%.Các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng được đẩy mạnh và đa dạng hóa;sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, từng bước đi vào nề nếp. Chất lượng cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cưgắn với phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” được nâng cao đãđộng viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng NTM. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng sâu rộng. Đếnhết năm 2015, có 1874/2292 (chiếm 81,76%)xóm đạt danh hiệu văn hóa, 247549/298901 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 82,81%); 82/143 xã đạt tiêu chí văn hóa (chiếm 57,3%, tăng 70 xã so với năm 2011); 64 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (44,8%), tăng 64 xã so với năm 2011.Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trườngđược nâng cao.Các phong trào xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; Nhà sạch, ngõ đẹp”; phong trào“Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”được đẩy mạnh. Các tổ tự quản về bảo vệ môi trường, Tổ thu gom, xử lý rác thải được thành lập các; phát độngphong tràotrồng hoa, cây xanh; xây dựng các tuyến đường tự quản đường xanh - sạch - đẹp; yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Đến hết năm 2015, có 47 xã (32,9%) đạt tiêu chí về môi trường, tăng 29 xã so với năm 2011.

Năm là, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh, trật tự được củng cố.

Về xây dựng hệ thống tổ chức, chính trị xã hội vững mạnhCác xã đã tập trung củng cố và nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng.Cán bộ xã, thôn được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ... Hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyêncó 127 xã (88,8%) đạt tiêu chíhệ thống tổ chức, chính trị xã hội vững mạnh, tăng 60 xã so với năm 2011.

Về bảo đảm an ninh, trật tự xã hộiCông tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân được thực hiện thường xuyên đã có tác dụng tốt, đảm bảo sự đồng thuận cho nhân dân,an ninh nông thônđược đảm bảo. Hết năm 2015 có 131 xã đạt chuẩn (91,5 %).

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Chương trình MTQGXDNTM, tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế sau:

- Tiến độ thực hiện còn chậm, một số chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra; mức độ đạt tiêu chí về kết cấuhạ tầng thấp, nhất là một số hạ tầng thiết yếu như:tỷ lệ cứng hóa công trình giao thông còn thấp,chưa đạt chuẩn về các thông số kỹ thuật, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt theo chuẩn quốc gia, tiêu chí môi trường tỷ lệ đạt thấp và kém bền vững.

- Công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch của các xã còn chậm (đạt 44,75%); việc huy động mọi nguồn lực nhất là đối với các doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng nông thôn mới còn thấp.

 - Thu nhập bình quân đầu người thấp. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) chưa được quan tâm; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao chưa nhiều; các truyền thống văn hóa tốt đẹp ở nông thôn chưa được phát huy; một số tệ nạn xã hội chưa có xu hướng giảm.

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

- Các xã mới chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa quan tâm hỗ trợ, định hướng phát triển sản xuất. Trình độ sản xuất của nhiều hộ nông dân còn thấp, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuậtcòn hạn chế; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất những sản phẩm phát huy lợi thế.

- Việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XIX bằng Đề án thực hiện cho cả giai đoạn (2016-2020) và từng năm ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiếp tục xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ trung tâm, bao trùm. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM.

-  Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Bộ phận giúp việc Ban chỉ đạoChương trình xây dựng NTM các cấp và đội ngũ cán bộ xã, xóm theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với với quy hoạch xây dựng NTM, các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu của thị trường lao động.

-  Xây dựng và nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm về xây dựng NTM ( “Xã nông thôn mới tiến tiến”, “Xóm NTM tiên tiến”, “Gia đình NTM”, đường giao thông ngõ, xóm, nhà văn hóa,…); khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức và cá nhân làm tốt, có nhiều đóng góp cho Chương trình.

-Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt việc công khai dân chủ, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát cộng đồng, đặc biệt là giám sát trong đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.

-Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ đối với các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tạo sự liên kết giữa nông dân với nông dân,nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, phân phối lợi ích hợp lý giữa các tác nhân trong chuỗi sản xuất. Xây dựng xuất sứ, nhãn hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. Áp dụng rộng rãi cơ chế Nhà nước hỗ trợ vật tư và một phần kinh phí để dân tự xây dựng một số công trình hạ tầng nông thôn (đường giao thông, kênh mương nội đồng,…).

-Khuyến khích phát triển các HTX, các doanh nghiệp ở nông thôn phát triển theo mô hình liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, gắn kết giữa các tác nhân: nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước. Hướng dẫn đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu để tạo giá trị gia tăng.

-Nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế; xây dựng, củng cố các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng nếp sống văn minh, phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm, tổ chức nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, làng xanh, sạch đẹp.

-Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, xử lý sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

________________

Tài liệu tham khảo

1.Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đến tháng 9-2014,  Kế hoạch thực hiện năm 2015 và giai đoạn 2016-2020.

2.Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên: Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

3. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Tình hình và nhiệm vụ của tỉnh Thái Nguyên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005

4. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính, Tình hình và nhiệm vụ của tỉnh Thái Nguyên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

 

Trương Thị Thùy Liên

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền