Trang chủ    Thực tiễn    Định hướng phát triển kinh tế tri thức của thành phố Hải Phòng đến năm 2020: thuận lợi, khó khăn và giải pháp
Thứ hai, 28 Tháng 11 2016 08:51
3805 Lượt xem

Định hướng phát triển kinh tế tri thức của thành phố Hải Phòng đến năm 2020: thuận lợi, khó khăn và giải pháp

(LLCT) - Trong những năm qua, kinh tế - xã hội Hải Phòng có bước phát triển khá và luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng chưa thực sự bền vững. Bởi vậy, Hải Phòng cần xây dựng một lộ trình để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; thực hiện tái cấu trúc lại sản xuất, chuyển mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và ổn định.

Về thực chất, đó là việc triển khai thực hiện những nội dung của nền kinh tế tri thức theo Nghị quyết của Đảng và Đảng bộ thành phố. Theo đó, Chương trình hành động của Thành uỷ Hải Phòng nhấn mạnh: “Chú trọng đẩy mạnh xây dựng kinh tế tri thức trên cơ sở xác định rõ lộ trình thực hiện đến năm 2020”.

1. Những thuận lợi và cơ hội để phát triển kinh tế tri thức ở Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có khoảng 125 km chiều dài đường bờ biển và trên 100.000 km2thềm lục địa, nằm trong hai hành lang, một vành đai hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, hội tụ đầy đủ đường sắt, đường bộ, đường không, đường biển nên có điều kiện rất thuận lợi để giao lưu, liên kết, hội nhập và hợp tác kinh tế với các địa phương, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hải Phòng có lực lượng lao động tương đối lớn (số người trong lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2010 là 1,47 triệu người); so với nhiều tỉnh, thành, có nguồn nhân lực trình độ học vấn và tay nghề tương đối khá (năm 2012 có 136.470 người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên,đạt 734 người có trình độ cao đẳng, đại học/1 vạn dân. Trong số đó có 42 GS, PGS. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tăng dần qua các năm. Hệ thống giáo dục phát triển khá tốt (chỉ số giáo dục đứng thứ 3 toàn quốc với 4 trường đại học, 14 trường cao đẳng, 22 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề). Đây là nền móng để Hải Phòng có thể tự giải quyết vấn đề nhân lực cho nhu cầu phát triển của thành phố. Ngoài ra, số lượng kiều bào người Hải Phòng tương đối đông (giai đoạn 2000 - 2015, Hội liên lạc Việt kiều Hải Phòng đã quy tụ được trên 1.500 hội viên và thân nhân ở nhiều nước trên thế giới).

Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được cải thiện từng bước, đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.                                                                                                                                                            

2. Những khó khăn, thách thức

Thách thức lớn nhất của Hải Phòng trong giai đoạn hiện nay là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển và nguồn lực cho phát triển có hạn.

Nguồn nhân lực, mặc dù tăng nhanh về số lượng qua các năm, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế tri thức. Trình độ, kỹ năng của phần lớn đội ngũ lao động  còn hạn chế, nhất là các kỹ năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm. Cơ cấu lao động chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế tri thức. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp còn yếu; chưa thu hút được nhân tài, nhân lực chất lượng cao cho phát triển và áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Tốc độ đổi mới công nghệ ở một số ngành công nghiệp mũi nhọn còn chậm. Kinh phí đầu tư cho đổi mới công nghệ mới đạt khoảng 3% doanh thu, đầu tư cho R&D đạt khoảng 0,05% doanh thu, trong khi các công ty đa quốc gia, tỷ lệ này tương ứng thường là 10 - 15% và 2%.

Hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông phát triển nhanh nhưng chưa đồng bộ. Mức độ tin học hóa trong các ngành, lĩnh vực thấp. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin thiếu và yếu cả về số lượng, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn phân tán, manh mún, gây trở ngại cho việc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Tất cả những khó khăn và thách thức nêu trên đang là những trở ngại, tác động đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế tri thức.

3. Quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020 ở thành phố Hải Phòng

Để xây dựng và phát triển kinh tế tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như sau:

Quan điểm phát triển kinh tế tri thức

Một là, phát triển kinh tế tri thức phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, gắn với việc tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc lại các doanh nghiệp, tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đây phải là nội dung trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời, khẳng định khoa học và công nghệ là động lực chủ yếu, nhân lực là nguồn lực trung tâm để phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh CNH, HĐH.

Hai là, chủ động phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ và thể chế chính sách.

Ba là, tập trung mọi nguồn lực cần thiết nhằm xác lập các điều kiện và tiền đề, tạo nền tảng để kinh tế tri thức phát triển. Củng cố và hoàn thiện các nhân tố kinh tế tri thức đã có, phát triển thêm các nhân tố mới để Hải Phòng nằm trong tốp dẫn đầu các tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế tri thức của cả nước.  

Bốn là, xây dựng và phát triển kinh tế tri thức là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó chính quyền đóng vai trò quan trọng, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là chủ thể thực hiện, giữ vai trò quyết định.

Giải pháp phát triển kinh tế tri thức

Để thực hiện mục tiêu trên, Hải Phòng cần triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ:

Thứ nhất, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những điều kiện và tiền đề cần thiết cho kinh tế tri thức hình thành, trước hết tập trung phát triển nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp vào việc làm tăng năng suất lao động, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng khoa học và công nghệ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tri thức nói riêng. Kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại là nhân tố tĩnh, là cực để thu hút các nhân tố động khác, như nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ hiện đại... 

Phát triển nguồn lực con người, trước hết tập trung vào 4 tầng nhân lực có đóng góp trực tiếp vào việc làm tăng năng suất lao động nói chung và các yếu tố tăng năng suất tổng hợp nói riêng. Đó là nhân lực hoạch định chính sách; nhân lực khoa học và công nghệ; nhân lực quản trị và người lao động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Đặc biệt, cần phổ cập những kiến thức về công nghệ thông tin và kỹ năng khai thác thông tin trong các trường trung học phổ thông, cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố, kết hợp với hoạt động đào tạo lại lực lượng lao động. Phấn đấu đến năm 2020, nguồn nhân lực của thành phố phải đạt tỷ lệ 90 - 95% có kỹ năng nắm bắt và sử dụng được công nghệ thông tin vào hoạt động tác nghiệp, đối với  đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, tỷ lệ này phải đạt 100%.

Thứ hai, tập trung tiềm lực khoa học và công nghệ hiện có để nghiên cứu chế tạo công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm hàng hóa mới, dịch vụ mới, phương pháp tổ chức sản xuất, quản lý mới.

Tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để tạo ra các sản phẩm mới, tiết kiệm thời gian và chi phí, thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường. Giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường bằng việc sử dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng. Đưa dần hàm lượng tri thức và hàm lượng công nghệ thông tin vào cấu thành giá trị của sản phẩm, giảm dần tỷ trọng giá trị của nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng truyền thống. Nâng cao sự đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợpvào GDP thành phố đạt mức 40 - 45% vào năm 2020.

Thứ ba, chuyển dần lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp từ quy mô, thị phần sang đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm. Phát triển và nhân rộng công nghệ mới bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tới các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ sử dụng các công nghệ mới. Nâng dần số lượng doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mới có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và khu vực.

Thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, trước hết tập trung ưu tiên cho các ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố. Tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% và tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 45% vào năm 2020.

Có biện pháp thu hút các nguồn lực khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ tư, đổi mới hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn theo định hướng cung cấp dịch vụ công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.

Trước yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, cần thiết phải chuyển từ nền hành chính quản lý truyền thống sang nền hành chính tạo lập môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân. Phải coi công dân là khách hàng để mỗi cơ quan có trách nhiệm cung ứng những dịch vụ công tốt nhất, có chất lượng và hiệu quả nhất. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử; bảo đảm minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

 Thứ năm, tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao trong nông nghiệp để ứng dụng vào điều kiện cụ thể của thành phố; từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để tạo các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hải Phòng. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chế biến, bảo quản các sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản để giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Xây dựng thí điểm một số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nền móng để hình thành trong nông nghiệp các tổ hợp sản xuất.

Thứ sáu, từng bước thực hiện xã hội hóa và thị trường hóa dịch vụ cung cấp thông tin. Đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin, dần hình thành thói quen tiêu dùng thông tin cho người dân và doanh nghiệp, hình thành xã hội thông tin.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin của tất cả các tổ chức, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, tăng cường trao đổi thông tin. Thực hiện dân chủ hóa trong tiếp cận thông tin, tạo cơ hội và điều kiện cho người dân, các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ bảy, lấy tiêu chuẩn về sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GDP của thành phố và bảo vệ môi trường sinh thái làm thước đo để đánh giá hiệu quả, bảo đảm cho kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh và bền vững.

Phải tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù riêng có của Hải Phòng, thay thế dần các sản phẩm truyền thống tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng và lao động, theo hướng hình thành các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao sự đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp vào GRDP thành phố.

Thứ tám, xây dựng và hình thành mô hình xã hội học tập, tạo môi trường học tập suốt đời, phát triển mô hình đào tạo mở và đào tạo từ xa, tạo cơ hội cho tất cả mọi người có điều kiện học tập để nâng cao trình độ học vấn và cập nhật kiến thức.

Xây dựng xã hội học tập phải lấy gia đình, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nhà nước làm hạt nhân, trên cơ sở đó nhân rộng ra cộng đồng, xây dựng mô hình làng học tập, tổ dân phố học tập... trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

Định hướng phát triển kinh tế tri thức ở Hải Phòng nhằm đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố, bảo đảm cho kinh tế Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững, sớm đưa Hải Phòng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị loại I của đất nước và khu vực.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Thông tin và Truyền thông: Quyết định số 5/2007/QĐ-BTTT ngày 26-10-2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ: Khoa học và công nghệ thế giới - Xu thế và chính sách những năm đầu thế kỷ 21, 2004.

3. Cục Thống kê thành phố Hải Phòng: Niên giám thống kê thành phố Hải Phòng 2014, Nxb Thống kê, 2015.

4. Vũ Ngọc Cừ, Trịnh Thanh Lâm: Thương mại điện tử, Nxb Giao thông vận tải,  Hà Nội, 2001.

5. Phan Xuân Dũng (chủ biên): Chuyển giao công nghệ ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

6. Lê Đăng Doanh: Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ở Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2003.

7. Hoàng Thu Hà: Kinh tế tri thức - Vấn đề và giải pháp, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2000.

8.Trần Ngọc Hiên: “Những vấn đề cơ bản trong nhận thức về kinh tế tri thức và thực hiện phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam”, vanhoanghean.com.vn,
(2-2014).

9. Đàm Văn Nhuệ, Nguyễn Đình Quang: Lựa chọn công nghệ thích hợp ở các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

10. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI.

11. Đảng bộ thành phố Hải Phòng: Văn kiện Đại hội đảng bộ lần thứ XI, XII, XIII, XIV, XV.

12.Vương Liêm: Kinh tế học Internet từ thương mại điện tử tới chính phủ điện tử, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2001.

13. Nguyễn Nhâm: “Phát triển kinh tế tri thức vươn lên trình độ tiên tiến thế giới”, tapchicongsan.org.vn, (5-2011).

14. Brandley R.Schiller: Kinh tế ngày nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

15. Thủ tướng Chính phủ: Quyết địnhsố 698/QĐ-TTg ngày 1-6-2009phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

16. Nguyễn Thống: Phân tích dữ liệu và áp dụng vào dự báo, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1999.

17. Nguyễn Thống: Phân tích dữ liệu và áp dụng vào dự báo, Nxb Thanh niên,  Hà Nội, 1999.

18. Tập thể tác giả (Trung Quốc): Dự báo thế kỷ 21, Nxb Thống kê, 1998.

19. Ngô Quý Tùng: Kinh tế tri thức xu thế mới của xã hội thế kỷ XXI, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

20. Trần Văn Tùng: Nền kinh tế tri thức và yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2001.

21. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2014.

22. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Kinh tế tri thức - Vấn đề và giải pháp - Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát triển, Nxb Thống kê,  2001.

 

TS NGUYỄN VĂN THÀNH

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Thứ trưởng Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền