Trang chủ    Thực tiễn    Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh ở vùng hải đảo Tây Nam
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:34
3185 Lượt xem

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh ở vùng hải đảo Tây Nam

(LLCT) - Vùng biển Tây Nam của Việt Nam với đường bờ biển dài trên 347km từ Năm Căn (Cà Mau) đến Hà Tiên (Kiên Giang) tiếp giáp với lãnh hải của các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia tạo thành vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam rộng khoảng 360.000km2 thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (chiếm 21,1% diện tích Vịnh Thái Lan), là vùng biển có hơn 150 hòn đảo nổi lớn, nhỏ, không chỉ giàu tiềm năng kinh tế biển mà còn là khu vực chiến lược về quốc phòng - an ninh (QPAN).

1. Tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh

Hệ thống đảo trong vùng biển Tây Nam của Việt Nam nằm án ngữ con đường trên biển từ ngoài vịnh Thái Lan vào thềm lục địa của Việt Nam, nhóm đảo gần nhất là hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nằm cách bờ khoảng 1 km, quần đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) cách bờ 10km, xa nhất là quần đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cách Mũi Cà Mau 160km, cách Thành phố Rạch Giá 220km.

Địa hình các đảo với bờ biển bao quanh với hình dáng uốn lượn, sườn dốc cao thấp khá ngoạn mục, có nhiều bãi biển rất đẹp, nước trong xanh, nhiều đảo còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh rất hấp dẫn, nhiều di tích lịch sử - văn hóa... có sức thu hút mạnh mẽ du khách. Đặc biệt, rừng ở vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam chiếm 75% diện tích đảo, với tổng diện tích khoảng 47.000 ha. Rừng ở vùng hải đảo có vai trò quan trọng trong việc giữ nguồn nước ngọt cho đảo, bảo vệ môi trường sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu động thực vật tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái...

Một số đảo khác nằm khá gần với đường hàng hải quốc tế như đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, quần đảo Nam Du... thông ra vịnh Thái Lan, tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực ASEAN, nhiều vị trí có thể xây dựng cảng biển rất thuận lợi, kết nối các đảo với nhau, đảo với đất liền, đảo với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo thế tiến ra biển lớn, phát triển mạnh ngành kinh tế hàng hải và giao lưu quốc tế gắn với tăng cường QPAN, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam còn có khoảng 25.000ha đất đai khá màu mỡ và nguồn nước ngọt dồi dào thích hợp cho các hoạt động nông nghiệp trồng cây ăn quả, hồ tiêu và trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xung quanh các đảo, hoặc xen giữa những đảo hoặc quần đảo là diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản giá trị kinh tế cao.

Nguồn lợi thủy sản quanh các đảo đa dạng về giống loài, giàu có về trữ lượng. Tổng số loài thủy sản có tới 2.000 loài, trong đó có hơn 80 loài có giá trị kinh tế cao và cá đáy chiếm 70% số loài, với trữ lượng cá, tôm khoảng 610.000 tấn, trong đó vùng ven bờ quanh các đảo và vùng ven biển có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng, hằng năm có thể khai thác trên 268.000 tấn. Nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản là ngành kinh tế truyền thống của vùng hải đảo, sự phát triển hưng thịnh của kinh tế hải đảo được quyết định bởi ngành kinh tế thủy sản.

Vùng biển quanh đảo Thổ Chu (Bể trầm tích Malay - Thổ Chu) qua thăm dò đã phát hiện nhiều mỏ dầu khí trữ lượng khoảng 200 - 500 triệu tấn dầu quy đổi và trữ lượng khí đốt khoảng 138,2 tỷ m3, chiếm 35% trữ lượng của cả nước. Hiện mỗi năm đã khai thác đưa vào bờ 2 tỷ m3 khí.

Một số đảo là cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia trên biển như quần đảo Thổ Chu có Hòn Nhạn chính là điểm A1 trong 11 điểm về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Một số đảo là cơ sở để xác định vùng chồng lấn với các nước láng giềng như: Hòn Đốc (quần đảo Hải Tặc), phía Bắc đảo Phú Quốc (Gành Dầu) và đảo Thổ Chu có vai trò phân định đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Quần đảo Thổ Chu cũng góp phần xác định vùng chồng lấn trên thềm lục địa giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

2. Một số kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường QPAN

a) Bố trí lại dân cư, tạo thế trận vững chắc về quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vùng hải đảo

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã có nhiều giải pháp, chính sách đặc thù khuyến khích nhân dân ra đảo sinh sống theo các chương trình kết hợp xây dựng kinh tế - xã hội gắn với QPAN, bảo đảm các điều kiện thiết yếu nhằm ổn định sinh kế bền vững của cư dân đảo, đã đưa được số lượng lớn dân ra vùng hải đảo sinh sống. Nếu trước năm 1975, dân số toàn vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam chỉ khoảng 5000 người, cho đến năm 1980 dân số ở đây cũng chỉ khoảng hơn 8.000 người, thì trong vòng 23 năm dân số hải đảo đã tăng gấp 10,75 lần, đến năm 2003 dân số trên các đảo vùng biển Tây Nam của Việt Nam đã tăng lên lên đến trên 86.000 người, đến năm 2014 dân số các đảo trong vùng đã tăng lên 154.538 người. Đến nay, trong số hơn 150 đảo, thì đã có 46 đảo có dân cư sinh sống, trong đó đảo Phú Quốc có dân số đông nhất với 115.000 người. Dân số đông ở vùng hải đảo đã cung cấp lực lượng lao động dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng đô thị, đồng thời cũng giúp triển khai các thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được thuận lợi, nhiều tỷ đồng đã được đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trên biển, đảo, đấu tranh quốc phòng an ninh, ngoại giao, nghiên cứu và điều tra cơ bản, tạo thế đứng chân ổn định, lâu dài ở vùng hải đảo.

b) Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng vừa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ cho QPAN

Giai đoạn (2001-2014) các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã tập trung huy động các nguồn vốn Trung ương, địa phương, vốn Chương trình Biển Đông - Hải đảo và nguồn vốn phát triển của Ngân hàng châu Á (ADB) với gần 70.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển đảo. Tính riêng giai đoạn (2008- 2014) toàn vùng đã tiến hành đầu tư khoảng 32.219 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng - kỹ thuật mang tính lưỡng dụng, kết hợp chặt chẽ giữa khai thác hiệu quả đặc thù KT - XH gắn với tăng cường QPAN, trong đó riêng đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã được đầu tư số vốn lên đến 29.622 tỷ đồng.

Đến nay, toàn vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam đã tiến hành xây dựng, nâng cấp và mở rộng hàng loạt các cảng biển, cảng cá như: Nâng cấp Cảng cá An Thới thành Cảng nước sâu quốc tế, xây dựng mới các Cảng Bãi Vòng, Cảng Vịnh Đầm, nâng cấp Cảng cá Dương Đông, Cảng cá Thổ Chu (Phú Quốc - Kiên Giang); xây dựng Cảng cá Nam Du, Cảng cá Hòn Ngang, Cảng cặp tàu Hòn Tre, Bến cá Lại Sơn (Kiên Hải - Kiên Giang); Cảng cặp tàu Tiên Hải (Hà Tiên - Kiên Giang) và hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu ở các đảo, kết nối với các cảng đất liền từ Hà Tiên (Kiên Giang) đến Năm Căn (Cà Mau) như: Cảng nước sâu Hòn Chông, Cảng Bình Trị (Kiên Lương - Kiên Giang), Cảng Hà Tiên, Cảng hành khách Rạch Giá, Cảng cá tắc Cậu (Châu Thành - Kiên Giang); Cảng biển Năm Căn (Năm Căn - Cà Mau), Cảng cá Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau),... Quá trình thiết kế xây dựng các công trình này đều có sự tham gia ý kiến của đại diện các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội và cơ quan quân sự địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hoạt động của tàu bè, phương tiện chuyên dụng phục quân sự khi cần thiết.

Sân bay Quốc tế Phú Quốc rộng 905ha, được đầu tư với tổng vốn 16.206 tỷ đồng, được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế được đưa vào sử dụng năm 2012. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội Phú Quốc và toàn vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa hết sức to lớn về tăng cường tiềm lực QPAN cho toàn vùng hải đảo.

Hệ thống đường bộ ở các đảo cũng được quan tâm đầu tư mới, nâng cấp và hoàn chỉnh các tuyến đường xuyên đảo, đường vòng quanh đảo, tính đến năm 2014 đã xây dựng tổng chiều dài 277,42 km, trong đó các tuyến đường trục chính Nam - Bắc đảo, đường vòng quanh đảo và đường nội thị Phú Quốc có tổng chiều dài 211,72 km, đường cơ động quanh đảo Thổ Chu (Phú Quốc - Kiên Giang) dài 5,2km, đường trên đảo Củ Tron, Hòn Tre và Lại Sơn (Kiên Hải - Kiên Giang), đường quanh đảo Hòn Nghệ và Hòn Heo (Kiên Lương - Kiên Giang), đường trên quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên - Kiên Giang), với tổng chiều dài trên 60km; đường vào khu du lịch hòn Đá Bạc (Trần Văn Thời - Cà Mau) với tổng chiều dài hơn 70 km. Các tuyến đường giao thông trên đảo góp phần khai thác có hiệu quả  tiềm năng, thế mạnh kinh tế hải đảo, đồng thời cũng góp phần trong việc cơ động, tăng cường phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hệ thống cấp điện cũng được đầu tư nhằm cung ứng đầy đủ nguồn điện, với giá rẻ cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên các đảo. Bước đột phá chiến lược đầu tư hệ thống cáp điện ngầm xuyên biển giúp đảo Phú Quốc hòa mạng lưới điện quốc gia, nhờ đó đảo Phú Quốc giảm được giá điện từ 5.060 đồng/kWh, xuống trung bình chỉ còn 1.700 đồng/kWh, giúp tiết kiệm được trên 200 tỷ đồng/năm, tiếp sau đó đường dây cung cấp điện hoà mạng lưới điện quốc gia cho đảo Hòn Tre (Kiên Hải - Kiên Giang) với số vốn 70 tỷ đồng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội trên các đảo và cũng góp phần tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tiến hành xây dựng hệ thống cấp, thoát nước với vốn gần 200 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho nhân dân và lực lượng vũ trangbảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo thế đứng ổn định lâu dài ở đảo, đồng thời bảo đảm nguồn nước cho phát triển du lịch, tăng cường thu hút du khách đến tham quan.

Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông cũng được đầu tư phát triển nhanh. Đến nay, hầu hết các đảo có dân sinh sống trong vùng biển Tây Nam của Việt Nam đã được phủ sóng di động và được cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm QPAN và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

c) Tích cực áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường QPAN

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù được thực hiện bằng văn bản có tính pháp lý là Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp sau đó là Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg, ngày 28-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nội dung cụ thể:

- Tập trung ngân sách nhà nước để tiến hành đầu tư xây dựng trước các công trình hạ tầng như:cảng, sân bay, đường, điện, nước, thông tin - liên lạc,... Có chính sách ưu đãi về mức thuế, giá thuê đất,... và thủ tục hành chính thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Cho phép Phú Quốc được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ta ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất; cho các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở.

- Cho phép áp dụng cơ chế thông thoáng về xuất, nhập cảnh.Thực hiện chế độ cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu cho các nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch nước ngoài.

- Về chính sách phát triển nguồn nhân lựccho phép áp dụng chế độ khuyến khích cán bộ có trình độ, năng lực đến đảo làm việc.

- Cho phép Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giangđược chỉ định thầu các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quốc phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.

Qua 10 năm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đảo Phú Quốc đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 22%/năm, liên tục trong suốt 10 năm, đến năm 2014 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 86,94 triệu đồng/năm (tương đương 4.140 USD/người), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.378 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đến 1,32%. Lượng khách du lịch bình quân hàng năm tăng 13%, năm 2014 khách du lịch đến Phú Quốc đạt 586.034 lượt người, trong đó khách quốc tế được 124.511 lượt người. Thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 36%, tổng thu ngân sách năm 2014 đạt 1.030 tỷ đồng.Trong vòng 10 năm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đã biến đảo Phú Quốc từ một làng chài đã trở thành thành phố loại II và đang vươn mình trở thành một đặc khu kinh tế hiện đại, có sức thu hút cao đối với du khách và các nhà đầu tư. Tiềm lực QPAN được nâng lên rõ rệt.

Nhìn chung,nhờ những nỗ lực đầu tư khai thác các lợi thế đặc thù kinh tế - xã hội toàn vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam đã có một số phẩm chủ lực như: sản phẩm thủy sản các loại với sản lượng 248.750 tấn/năm, nước mắm 18 triệu lít/năm, hồ tiêu 1.200 tấn/năm, du lịch tăng trưởng bình quân hàng năm 11%, khách du lịch đến các vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam đạt khoảng 690.000 lượt khách/năm. Vận chuyển hành khách đạt 13,11 triệu lượt, vận chuyển hàng hoá đạt 14,67 triệu tấn. Tổng giá trị thị trường của hàng hóa dịch vụ do các đảo tạo ra đạt khoảng 11.270 tỷ đồng. Góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 3.154 USD tăng gần 2 lần so với 2010. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư và từng bước hoàn thiện. Văn hoá, xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Song song với kết quả phát triển kinh tế - xã hội thì tiềm lực QPAN không ngừng được củng cố và tăng cường. Các lực lượng vũ trang luôn đứng chân ổn định, vững chắc ở vùng hải đảo và luôn được huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Chủ quyền quốc gia dân tộc được giữ vững, bảo vệ tốt ngư dân, các công trình, thiết bị và cán bộ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam. Công tác quốc phòng và quân sự địa phương thường xuyên được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng, ngày càng nâng cao đi vào chiều sâu. Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ đạt 1,38% dân số. Xây dựng tốt các khu vực phòng thủ, tăng cường các thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở vùng hải đảo.

3. Một số giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường QPAN ở vùng hải đảo Tây Nam trong thời gian tới

Từ những thành công bước đầu của vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam xin đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục khai thác có hiệu quả đặc thù kinh tế - xã hội gắn với tăng cường QPAN ở vùng hải đảo như sau:

Một là, ở mỗi đảo, hoặc nhóm đảo phải được tiến hành khảo sát, thăm dò, điều tra và nghiên cứu kỹ để hiểu rõ tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh và tình hình kinh tế - xã hội của từng đảo hoặc nhóm đảo, để trên cơ sở đó hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau phối hợp dưới sự chủ trì của Chính phủ để nghiên cứu áp dụng các giải pháp, cơ chế, chính sách có tính đặc thù phù hợp để kết hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế gắn với tăng cường QPAN, xây dựng hệ thống phòng thủ thích hợp cho từng đảo hoặc nhóm đảo.

Hai là, tùy theo tính đặc thù của mỗi đảo, hoặc nhóm đảo, bên cạnh việc áp dụng những giải pháp, cơ chế, chính sách chung của cả nước,đồng thời phải hoàn thiện cơ chế pháp lý có tính đặc thù quy định trách nhiệm của các chủ thể kinh tế phải thực hiện sự kết hợp khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội hải đảo gắn với nhiệm vụ tăng cường QPAN.

Ba là, phải tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học và công nghệ và nguồn vốn để có thể thực hiện nhanh các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường QPAN ở vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam. Đồng thời, phải tăng cường bảo vệ môi trường biển, đảo để duy trì tính đặc thù kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Bốn là, trên mỗi đảo hoặc nhóm đảo cần phải tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng mang tính lưỡng dụngnhư: cảng, sân bay, đường, điện, nước, thông tin - liên lạc,... hướng vào vừa khai thác, phát huy các ngành kinh tế thuộc thế mạnh của hải đảo, vừa có thể huy động phục vụ cho quân sự khi cần thiết. Hợp tác với các nước trong khu vực vịnh Thái Lan để khai thác hiệu quả đặc thù kinh tế - xã hội và đảm bảo QPAN.

Năm là, thường xuyên diễn tập, tập luyện cho các lực lượng vũ trang ở vùng hải đảođể tăng cường sức chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển, đảo khi có tình huống xâm phạm xảy ra. Xây dựng lực lượng tự vệ biển hoặc lực lượng an ninh biển ở vùng hải đảo và trong các đơn vị sản xuất kinh doanh trên biển.

Việc khai thác có hiệu quả đặc thù kinh tế - xã hội gắn với tăng cường QPAN ở vùng hải đảo Tây Nam của Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn, vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân, vừa tăng cường tiềm lực QPAN, tạo thành chiến hạm không thể đánh chìm, phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốcBài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2016

Tài liệu tham khảo:

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khoa học về biển và Kinh tế miền biển,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

2. UBND tỉnh Kiên Giang, Cà Mau: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014.

3. UBND tỉnh Kiên Giang: Kỷ yếu Hội thảo khoa học định hướng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Kên Giang, ngày 14-1-2015.

4. Cục Thống kê Kiên Giang: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2014.

5. Cục Thống kê tỉnh Cà Mau: Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2014.

6. Huyện ủy Phú Quốc và Huyện uỷ Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang): Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014.

7. Huyện ủy Trần Văn Thời và Huyện ủy Năm Căn (tỉnh Cà Mau): Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển Việt Nam thuộc vịnh Thái Lan thời kỳ đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 3-2-2009.

 

ThS Phạm Văn Quang  

Trường Chính trị Kiên Giang       

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền