Trang chủ    Thực tiễn    Xu hướng biến đổi và vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 28 Tháng 11 2016 08:57
4647 Lượt xem

Xu hướng biến đổi và vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)  khẳng định: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).Cùng với quá trình phát triển của dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam luôn khẳng định được vai trò lãnh đạo, đi tiên phong trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng CNXH hiện nay.

Trước đổi mới, trong điều kiện nền kinh tế tập trung, bao cấp, giai cấp công nhân Việt Nam chủ yếu là công nhân lao động trong thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, mở cửa hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế đã tác động lớn đến sự phát triển của giai cấp công nhân nước ta: “Công nhân nước ta đang tiếp tục tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu theo ngành nghề và thành phần kinh tế. Trong đó, số công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn”(2). Năm 1985, công nhân nước ta có khoảng 3,38 triệu người, chiếm 16% lực lượng lao động xã hội; năm 2008, số công nhân tăng lên khoảng 9,5 triệu người, chiếm trên 11% dân số, 21% lực lượng lao động xã hội(3). Năm 2013, tổng số công nhân, lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là hơn 11,5 triệu người, chiếm 12,9% dân số; 21,7% lực lượng lao động xã hội. Hằng năm, công nhân tạo ra 70% tổng sản phẩm xã hội, đóng góp 60% ngân sách nhà nước.

Số lượng công nhân trực tiếp làm việc trong các doanh nghiệp năm 2013 tăng 1,66 lần so với năm 2005. Trong đó, công nhân trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,43 lần; công nhân trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5 lần.

Bộ phận công nhân khu vực kinh tế ngoài nhà nước xuất hiện và phát triển nhanh trong thời kỳ đổi mới. Nếu như năm 2005 có gần 99 nghìn doanh nghiệp với 2,8 triệu công nhân; thì đến năm 2010 có gần 269 nghìn doanh nghiệp với gần 6 triệu công nhân; năm 2013, khu vực này tăng lên 359.794 doanh nghiệp với 6.854,8 nghìn công nhân. Trong đó, công nhân trong doanh nghiệp tư nhân là 503,1 nghìn người; công nhân trong công ty hợp danh 3,9 nghìn người; công ty trách nhiệm hữu hạn 3,5 triệu người; công ty cổ phần có vốn nhà nước 433,9 nghìn người; công ty cổ phần không có vốn nhà nước gần 2,4 triệu người(4).

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành (12-1987), thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất hiện. Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng bộ phận công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2005, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thu hút được 1.220,6 nghìn công nhân, lao động trong 3.697 doanh nghiệp. Năm 2010 tăng lên 2.156,1 nghìn công nhân, lao động trong 7.248 doanh nghiệp. Năm 2013 tăng lên 3.050,9 nghìn công nhân, lao động trong 10.220 doanh nghiệp. Trong đó, số công nhân làm việc trong doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là 2.782,7 nghìn người, công nhân làm việc trong công ty liên doanh với nước ngoài là 268,2 nghìn người(5). Nhìn chung, đội ngũ công nhân này ở độ tuổi còn trẻ, có sức khỏe, có trình độ học vấn và chuyên môn khá cao.

Năm 2013, cả nước có 289 khu công nghiệp, trong đó 190 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 2,1 triệu công nhân lao động (chủ yếu là công nhân trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Trong khi số lượng công nhân khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, thì ngược lại, số lượng công nhân khu vực kinh tế nhà nước lại giảm. Năm 2013, số công nhân trong doanh nghiệp nhà nước giảm 1,23 lần so với năm 2005. Năm 2005 có 4.086 doanh nghiệp với 2.037,7 nghìn công nhân; năm 2010 giảm xuống 3.281 doanh nghiệp với 1.691,8 nghìn công nhân; năm 2013 còn 3.199 doanh nghiệp với 1.660,2 nghìn công nhân(6).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song nguyên nhân chủ yếu là trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều xí nghiệp và cơ sở sản xuất quốc doanh không kịp thích ứng, thiếu tính năng động và sáng tạo, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, quen kiểu làm ăn theo cơ chế bao cấp, dẫn đến thua lỗ, sản xuất đình đốn, công nhân không có việc làm hoặc làm việc cầm chừng. Trước tình hình đó, một bộ phận công nhân có trình độ và tay nghề cao đã rời bỏ nhà máy, xí nghiệp quốc doanh sang làm việc ở những cơ sở kinh tế tư nhân, liên doanh, đầu tư nước ngoài.

Trong cơ chế mới, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức, sắp xếp lại lao động sản xuất, đầu tư trang thiết bị và công nghệ. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho đội ngũ công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước ngày càng giảm.

Trước thực trạng đó có ý kiến cho rằng, với việc đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò làm chủ của giai cấp công nhân ngày càng giảm, những công nhân có nhiều cổ phần sẽ trở thành “ông chủ” và dần ra khỏi giai cấp công nhân, làm cho giai cấp công nhân ngày càng “teo đi”... Về bản chất, quan niệm như vậy là phiến diện, khi vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là thông qua công cụ quản lý ở tầm vĩ mô để điều tiết nền kinh tế. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là để tạo nên sự cạnh tranh công khai, minh bạch và bình đẳng của các thành phần kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Mặc dù quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhưng những kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Điều đó chứng minh chủ trương cổ phần hóa là một bước đi đúng hướng.

Có cổ phần không làm mất đi bản chất của giai cấp công nhân, mà trái lại phát huy đầy đủ vai trò làm chủ trong sản xuất. Khi bàn về công nhân trong các công ty cổ phần - sự phát triển cao nhất của nền sản xuất TBCN, C.Mác đã cho rằng: việc công nhân sở hữu cổ phần “là điểm quá độ tất nhiên để tư bản lại chuyển thành sở hữu của những người sản xuất,...với tư cách là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp thành sở hữu xã hội trực tiếp”(7).

Sở hữu vừa là mục tiêu, động lực, vừa là phương tiện, công cụ để đạt được mục tiêu tổng thể. Do đó, “đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”(8). Sở hữu của công nhân trong CNXH với tư cách là cách thức tổ chức lao động sản xuất, nhằm huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của sản xuất. Xét về mặt kỹ thuật, thì cả CNXH và CNTB đều chọn phương án tối ưu trong cách tổ chức quản lý sản xuất, để đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Nhưng xét về mặt bản chất, thì sở hữu vô sản khác với sở hữu tư sản.

Trong CNXH, sở hữu là để phát huy tinh thần sáng tạo và làm chủ của công nhân, dùng quyền sở hữu của mình làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Còn trong CNTB, giai cấp tư sản lại đem quyền sở hữu đi bóc lột sức lao động của người khác: “chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(9). Cho nên, khi nói về sở hữu của công nhân có cổ phần không nên đánh đồng với sở hữu tư sản, không lầm lẫn mục tiêu với công cụ. Vì vậy, giai cấp công nhân hiện nay có thể bao gồm cả những người có sở hữu thuộc các hình thức khác nhau mà pháp luật thừa nhận. Không vì họ có sở hữu mà đưa họ ra ngoài giai cấp công nhân. Như vậy, chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy mọi nguồn lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nước ta xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vai trò của giai cấp công nhân đang bị thu hẹp lại, khi thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển, những công nhân trong các khu vực kinh tế đó trở thành những người làm thuê, không còn là người làm chủ.

Thực tế cho thấy, khi mà các đơn vị sản xuất kinh doanh không tồn tại một cách độc lập và khép kín, mà trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều loại hỗn hợp, đan kết với nhau, xu hướng liên kết, liên doanh ngày càng phát triển cả trong nước và ngoài nước. Trong mỗi doanh nghiệp, có những dây chuyền sản xuất và bộ phận liên kết với các đơn vị sản xuất thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Những đơn vị sản xuất ấy vừa có mặt ở thành phần kinh tế này, vừa nằm trong thành phần kinh tế khác, khó có sự phân biệt một cách rạch ròi giữa các thành phần kinh tế. Bởi thế, người công nhân trong các đơn vị sản xuất này cũng không thuần khiết thuộc một thành phần kinh tế nhất định.

Mặt khác, khi sản xuất công nghiệp vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, việc làm và đời sống của công nhân không ổn định, thì vấn đề nêu trên càng rõ nét. Người công nhân không chỉ có mặt trong một thành phần kinh tế nhất định, mà họ có thể hiện diện ở hai hoặc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Họ có thể vừa là công nhân trong khu vực kinh tế nhà nước, vừa làm ở khu vực kinh tế tư nhân hoặc cá thể, hộ gia đình...

Trong bối cảnh đó, nếu xét riêng từng cá nhân, trong từng công ty, nhà máy, xí nghiệp... thì hiện tượng vi phạm quyền làm chủ của công nhân vẫn thường xuyên xảy ra. Đây cũng là đặc điểm của nền kinh tế thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Nhưng nếu xét giai cấp công nhân trong tính tổng thể với tư cách là giai cấp làm chủ đất nước, thì địa vị và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân vẫn không hề thay đổi. Vì vậy, không thể nhìn bộ phận để đánh giá toàn thể. Hơn nữa, ngày nay khi CNTB đã “toàn cầu hóa” nền kinh tế, khái niệm làm thuê cũng có tính tương đối. Nhiều người có tư liệu sản xuất nhưng vẫn là làm thuê khi xét nó trong những mối quan hệ khác nhau, vừa là ông chủ trong mối quan hệ với người lao động làm thuê cho mình, nhưng lại trở thành làm thuê cho những ông chủ khác. Trong CNXH, khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền, thì họ trở thành những người làm chủ ở các mức độ khác nhau về các quá trình sản xuất nói riêng và xã hội nói chung.

Khi bàn về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam, có ý kiến cho rằng, hiện nay lãnh đạo cách mạng Việt Nam không thuộc về giai cấp công nhân nữa, mà thuộc về trí thức. Những người đưa ra ý kiến này lập luận rằng, nhìn vào đội ngũ lãnh đạo các cấp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất thân từ trí thức, chứ không phải là từ công nhân. Do đó, nói Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì đúng, nhưng nói giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo thì không đúng thực tế.

Quan niệm trên là không đúng cả về mặt lý luận vàthực tiễn. Bởi vì, trong bất cứ thời đại nào, trí thức cũng đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Ngày nay, khi khoa học đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thì trí thức là những người đi đầu trong việc phát triển các lý thuyết khoa học và công nghệ, khoa học quản lý, khoa học quân sự, khoa học xã hội, giáo dục nâng cao dân trí... Nhưng trong xã hội, trí thức chưa bao giờ là một giai cấp, bởi vì nó không đại biểu cho một phương thức sản xuất, không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Do đó, nó không có hệ tư tưởng riêng, chỉ đi theo và chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng của giai cấp mà nó phục vụ. Vì thế, trong xã hội có giai cấp, trí thức bao giờ cũng thuộc về giai cấp này hay giai cấp khác (thường thì thuộc về giai cấp cầm quyền).

Trong xã hội có giai cấp, thì lãnh đạo xã hội bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định - thông qua chính đảng, nhà nước và các tổ chức của nó. Ở bất cứ thời đại xã hội có giai cấp nào, quyền lực bao giờ cũng nằm trong tay giai cấp thống trị về kinh tế, giai cấp này đã tạo ra đội ngũ trí thức cho giai cấp mình để thực hiện vai trò lãnh đạo của nó đối với xã hội. Với những điều kiện đó, trí thức với tư cách là một tầng lớp xã hội không thể nào là lực lượng lãnh đạo cách mạng thay cho giai cấp công nhân.

Ở nước ta hiện nay, xét về phương thức lao động cá nhân, thì những người lãnh đạo và quản lý là trí thức. Nhưng đó là những trí thức của giai cấp công nhân, họ đã đứng vào hàng ngũ của giai cấp công nhân, có cùng lợi ích với giai cấp công nhân, và quan trọng nhất là họ đã được tổ chức bởi đội tiền phong của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, họ đã trở thành một bộ phận của giai cấp công nhân, đứng trên lập trường giai cấp công nhân, phục vụ sự nghiệp của cả dân tộc theo đường lối chính trị của giai cấp công nhân. Họ không lấy tư cách là đại diện của tầng lớp trí thức để lãnh đạo và quản lý.

Cần nhận thức rõ hoạt động quản lý và hoạt động lãnh đạo là hai phạm trù khác nhau, mỗi hoạt động đều mang những đặc trưng riêng. Nếu lãnh đạo bao giờ cũng thuộc về một giai cấp nhất định và chính đảng của nó, thì hoạt động quản lý là lao động trí óc. Hay nói cách khác, hoạt động lãnh đạo bắt nguồn từ địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp quyết định, còn quản lý thì bắt nguồn từ sự phân công lao động xã hội: lao động quản lý hay lao động thừa hành. Do đó, trong quan hệ với hoạt động lãnh đạo, thì lãnh đạo quyết định quản lý; bởi vì, lãnh đạo quyết định phương hướng phát triển của các giai đoạn quản lý. Cho nên, những ai vươn lên nhận thức được tính tất yếu sự vận động của lịch sử để đứng vào hàng ngũ giai cấp công nhân đều thuộc về hoặc mang bản chất giai cấp công nhân. Bởi vì, “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước...”(10).

Hiện nay, giai cấp công nhân đang có bước phát triển mới về trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đang ngày càng trí thức hóa. Đội ngũ công nhân trí thức đang ngày càng lớn mạnh để bảo đảm cho đất nước ta nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp CNH, HĐHđất nước. Hằngnăm,xuất hiện nhiều sáng kiến có giá trị, nhiều công nhân đạt danh hiệu lao động giỏi, được Đảng và Nhà nước vinh danh, nhiều cá nhân, đơn vị được tuyên dương là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đó là một thực tế hùng hồn bác bỏ luận điệu cho rằng, giai cấp công nhân Việt Nam không tiêu biểu cho trí tuệ, hoặc trí tuệ kém cỏi.

Vì vậy, giai cấp công nhân càng phát triển, thì phạm vi hoạt động càng mở rộng, chứ không phải thu hẹp lại. Với bản chất của mình, dù ở thành phần kinh tế nào thì giai cấp công nhân luôn đi đầu trong việc đẩy mạnh sản xuất, tham gia quản lý, đấu tranh chống các hiện tượng đi ngược lại lợi ích của giai cấp, dân tộc, góp phần quyết định thành công con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2016

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.80.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.29.

(3) Xem Đặng Ngọc Tùng (chủ biên): Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Nxb Lao động, Hà Nội, 2010, tr.97-98.

(4), (5), (6) Xem Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2013, 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2014, 2015.

(7), (8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.25, phần 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.668.

(9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.615, 618.

(10) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.7.

ThS Phạm Văn Giang

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền