Trang chủ    Thực tiễn    Về kinh tế xanh ở Việt Nam
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:41
3356 Lượt xem

Về kinh tế xanh ở Việt Nam

(LLCT) - Khái niệm “kinh tế xanh” hay “tăng trưởng xanh” được phát triển và luận giải đầy đủ từ năm 2008, những sáng kiến chung về đối phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính do Tổng thư ký Liên Hợp quốc và Ủy ban phối hợp các nhà lãnh đạo của hệ thống Liên Hợp quốc đề xuất. Sáng kiến về kinh tế xanh được Liên Hợp quốc nhấn mạnh.

1. Khái niệm “kinh tế xanh”

Thuật ngữ “kinh tế xanh” lần đầu tiên được sử dụng trong tác phẩm “Đề án kinh tế xanh”(1) xuất bản năm 1989, tác phẩm này là cơ sở của quan niệm về kinh tế xanh, mà nền tảng của nó trước hết là lý luận kinh tế về phát triển bền vững.

Khái niệm “kinh tế xanh” hay “tăng trưởng xanh” được phát triển và luận giải đầy đủ từ năm 2008, những sáng kiến chung về đối phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính do Tổng thư ký Liên Hợp quốc và Ủy ban phối hợp các nhà lãnh đạo của hệ thống Liên Hợp quốc đề xuất. Sáng kiến về kinh tế xanh được Liên Hợp quốc nhấn mạnh.

Khái niệm “kinh tế xanh” được áp dụng rộng rãi và có sức thu hút mạnh hơn từ Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP)(2). Theo đó, “kinh tế xanh” là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường, sinh thái. Chương trình này đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa “kinh tế xanh” và phát triển bền vững. Khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế cho khái niệm phát triển bền vững, nhưng hiện nay càng ngày người ta càng thừa nhận rằng, việc đạt được tính bền vững hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào việc tạo ra một nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc khu vực châu Á Thái Bình Dương, tăng trưởng xanh là mục tiêu chính sách dựa vào tiến bộ kinh tế bền vững về mặt sinh thái nhằm kích thích phát triển với mức phát thải cácbon thấp, giảm ô nhiễm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, mang lại lợi ích cho tất cả các tầng lớp trong xã hội(3).

Hội nghị Rio+ 20 (Hội nghị Liên Hợp quốc về phát triển bền vững họp tại Rio de Janeiro, Brazil) chỉ rõ, một nền kinh tế xanh bền vững là nền kinh tế phải bảo đảm môi trường sinh thái, đồng thời gia tăng việc làm có thu nhập khá và xóa đói giảm nghèo. Kinh tế xanh dựa vào sự áp dụng những công cụ tổng hợp của chính sách kinh tế và chính sách môi trường sinh thái, với sự tác động tích cực của thể chế vào các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường xung quanh, áp dụng những năng lượng tái sinh và thay thế, sử dụng lại phế thải... Sử dụng hiệu quả tài nguyên cần phải trở thành khuynh hướng chung thống nhất - sự lựa chọn mô hình tăng trưởng GDP và sự thay đổi tiêu dùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của quản lý không phải chỉ là cải thiện trạng thái môi trường xung quanh một cách trừu tượng, mà còn là những bước tiến tích cực về cơ cấu trong hệ thống kinh tế. “Tăng trưởng xanh” phải là chất xúc tác cho những hoạt động đầu tư, đổi mới, dẫn đến xuất hiện những tiềm năng kinh tế mới, là cơ sở cho những bước tiến về cơ cấu kinh tế có lợi cho các ngành và các lĩnh vực hoạt động tiên phong về công nghệ, tiết kiệm tài nguyên. Với mỗi bước tiến về tăng trưởng kinh tế xanh phải được biểu hiện ra thành sự thay đổi cơ cấu bên trong của nền kinh tế cũng như cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, sự thay đổi này dẫn đến sự thay đổi tăng trưởng kinh tế về mặt chất lượng, hạ thấp hàm lượng tài nguyên trong sản phẩm được sản xuất ra và ảnh hưởng tích cực của sản xuất đến môi trường xung quanh.

Những bước tiến về tăng trưởng kinh tế xanh được biểu hiện ở các chỉ tiêu về số lượng. Bất kỳ bước tiến về mặt cơ cấu nào cũng có thể đo lường được bằng cách áp dụng vào thực tiễn quản lý hệ thống các chỉ tiêu đặc biệt mà các thành phần của nó cần phải được cụ thể hóa trong việc chuyển sang một chất lượng mới “xanh” của tăng trưởng kinh tế. Hệ thống các chỉ tiêu này là cơ sở, phương pháp luận tạo ra các chỉ số phát triển bền vững (được đặt ra bởi Ban Thư ký thống kê của Liên Hợp quốc), cho phép xác định tiến bộ trong thực tế và chất lượng tăng trưởng kinh tế. 

Các chỉ tiêu bao gồm:

- Tỷ trọng của các chủ thể thực hiện được các định mức về giới hạn ô nhiễm cho phép trong tổng số lượng chung các chủ thể trong nền kinh tế cũng như trong từng vùng lãnh thổ;

- Tỷ trọng các nguồn nước sử dụng được nâng cao chất lượng, trong số lượng chung của các nguồn nước đang sử dụng;

- Tỷ trọng các chất thải được tái chế trong tổng số các chất thải của quá trình sản xuất và tiêu dùng...

2. Tăng trưởng kinh tế xanh ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể: Giai đoạn 2011 - 2010 giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm; giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường. Định hướng đến năm 2050: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5 - 2%. Đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP(4).

Tuy nhiên, trên thực tế ở Việt Nam tăng trưởng kinh tế xét về mặt tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện rõ nhất là giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP còn rất thấp. Có thể thấy trình độ công nghệ ở ngành công nghiệp qua việc nghiên cứu hàm lượng công nghệ trong hàng xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam (Bảng 1). 

Tăng trưởng kinh tế (TTKT) ở nước ta trong những năm qua chủ yếu dựa vào tăng vốn, lao động và khai thác các nguồn lực tự nhiên, mức đóng góp của năng suất trong các nhân tố tổng hợp (Total factor productivity - TFP)có tăng lên nhưng vẫn rất chậm và thấp so với nhiều nước trong khu vực.Trong tổng tốc độ TTKT, yếu tố vốn đóng góp tới 52,73%, số lượng lao động đóng góp khoảng 19,07%; cộng hai yếu tố về số lượng tới 71,8%, gấp hơn 2,5 lần so với TFP; còn yếu tố TFP chỉ đóng góp khoảng 28,2% (Bảng 2).

Ở nước ta, tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả, ô nhiễm môi trường gia tăng.Chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long, với dân số khoảng 14 triệu người, hằng năm đã thải 606.267 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 102 triệu m3 nước sinh hoạt, 3.800 tấn rác thải y tế(6). Mỗi ngày các khu công nghiệp thải hơn 1 triệu m3 nước thải, trong đó 70% là nước thải chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra sông, hồ, đất; 85% rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chậm được xử lý, khắc phục. Môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là ở những nơi có nhiều cơ sở công nghiệp cũ, công nghệ lạc hậu và tại các đô thị lớn. Điều đáng lo ngại là việc gia tăng ô nhiễm không chỉ ở các khu công nghiệp ở thành thị mà còn ở các khu du lịch, ở nông thôn, sông, hồ và ven biển.

Nhìn chung, môi trường nước và đất đang biến đổi theo chiều hướng xấu đi; môi trường biển xuống cấp; hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học suy giảm; nước sạch và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế... (Bảng 3).

Hiện nay, nhiều nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội kiến nghị phải tăng chi phí cho bảo vệ thiên nhiên, nhưng với quan điểm về “kinh tế xanh” như trên, cách xem xét đó là chưa đủ, vì ở đây với chi phí bảo vệ môi trường thiên nhiên chỉ được coi là chi phí cho những biện pháp trực tiếp bảo vệ thiên nhiên trong việc khắc phục ô nhiễm. Trong điều kiện các nguồn vốn đầu tư hạn chế cần phải hướng đến việc sử dụng sao cho có hiệu quả hơn, đạt được kết quả hai mặt (kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái).

Hiện nay, hàm lượng tài nguyên trong kinh tế nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Tiêu dùng quá mức các nguồn tài nguyên gắn liền với việc tồn tại cơ cấu kinh tế không hợp lý và sự mất cân đối trong việc phát triển các ngành khai thác thiên nhiên và các ngành chế biến, sự lạc hậu về công nghệ, với sự thiếu vắng những yếu tố kích thích tiết kiệm tài nguyên… Đối với mô hình kinh tế như vậy, trước hết cần phải sử dụng vốn đầu tư vào làm biến đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng và phát triển công nghệ mới. Tái cấu trúc nền kinh tế nhằm giảm đáng kể hàm lượng tài nguyên trong sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu sự tàn phá môi trường, xóa bỏ sự thiếu hụt giả tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng suất lao động.

Theo Báo cáo của UNEP được công bố ngày 21-2-2011 trước thềm Hội nghị “Rio+ 20” về phát triển bền vững: “Đầu tư 2% GDP của toàn thế giới có thể bảo đảm tăng trưởng “xanh” hơn, hợp lý hơn và đồng thời giảm thiểu nghèo đói”(7). Báo cáo của UNEP cũng đưa ra khuyến nghị đầu tư 2% GDP vào 9 lĩnh vực then chốt sẽ thúc đẩy việc chuyển sang kinh tế xanh có hiệu quả, ít khí thải cácbon. Đó là các lĩnh vực: cung cấp năng lượng, nông nghiệp, xây dựng, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch, vận tải, chế biến lại phế thải, quản lý các nguồn nước... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, những lĩnh vực này còn nhiều dư địa để có thể biến đổi cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh.

_____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Pearce   et   al.   Blueprint   for   a   Green  Economy, Earthscan Publications  Limited,  London, 1989.

(2) Navstrechu “zelenoy” ekonomike. Obobshchayush-chiy doklad dlya predstaviteley vlastnykh struktur, http://www.unep.org

(3) Initsiativa Astany “Zeleniy      most”:   Partnerstvo stran  Evropy,  Azii  i  Tikhogo  okeana  po realizatsii “zelenogo” rosta, 6-ya sessiya. http://greenbridgeworld.net.

(4) Quyết định số 1393/ QĐ-TTg  ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

(5) TS Tô Trung Thành: Tài liệu Hội thảo khoa học quốc gia do Hội đồng lý luận Trung ương và Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, 2010, tr.428-437.

(6) Bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, Hội thảo do Tạp chí Cộng sản tổ chức, tháng 11-2008.

(7) http://www.unep.org

 

 

PGS, TS Nguyễn Văn Hậu

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền