Trang chủ    Thực tiễn    Hoàn thiện pháp luật an toàn hàng hải ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 30 Tháng 5 2014 09:20
4580 Lượt xem

Hoàn thiện pháp luật an toàn hàng hải ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Việt Nam là một quốc gia biển, có bờ biển dài trên 3.200 km, với hơn 1 triệu km2 mặt nước; hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ ven bờ, trong đó có nhiều quần đảo và đảo quan trọng như Trường Sa, Hoàng Sa, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo… Nằm trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, nối liền nhiều trung tâm kinh tế lớn của thế giới như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Xinhgapo... Chính vì vậy, vấn đề an toàn hàng hải, pháp luật an toàn hàng hải có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, thúc đẩy hội nhập quốc tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở nước ta hiện nay.

Thứ nhất, pháp luật về an toàn hàng hải thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển hàng hải nói riêng, kinh tế biển nói chung.

Từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945 đến nay, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề biển, đảo. Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng CNH, HĐH, nhằm xây dựng đất nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước; đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới…

Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Phát triển kinh tế ven biển, biển và hải đảo theo định hướng Chiến lược biển đến năm 2020. Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, khai thác, chế biến dầu khí, vận tải biển, du lịch biển. Phát triển mạnh kinh tế đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia”.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, pháp luật về hàng hải nói chung, pháp luật an toàn hàng hải nói riêng được hình thành khá sớm. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn hàng hải tương đối hoàn thiện, bao gồm Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Đây cũng là lĩnh vực pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng áp dụng đa dạng, có mối quan hệ khá chặt chẽ với pháp luật, tập quán và thông lệ quốc tế về an toàn hàng hải. Hơn nữa, an toàn hàng hải gắn bó mật thiết với vấn đề an ninh hàng hải nói riêng, an ninh quốc gia nói chung, vấn đề phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển...Do đó, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an toàn hàng hải để thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển hàng hải nói riêng, kinh tế biển nói chung.

Thứ hai, pháp luật về an toàn hàng hải bám sát thực tế và góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng hải quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Pháp luật về an toàn hàng hải là một bộ phận quan trọng của pháp luật về hàng hải, vì vậy phải gắn chặt với sự phát triển của ngành hàng hải quốc gia, từ đó góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác của nền kinh tế quốc dân cùng phát triển.

Trong sự phát triển của ngành hàng hải thì phát triển đội tàu vận tải biển và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải là những minh chứng cho sự tiến bộ trong những năm gần đây. Đến hết năm 2011, đội tàu vận tải biển Việt Nam có 1.691 tàu các loại, trong đó có 650 tàu biển hoạt động quốc tế. Nếu xét về số lượng, đội tàu thuộc sở hữu Việt Nam đứng thứ 3/10 nước ASEAN; xét về tổng trọng tải, đội tàu Việt Nam đứng thứ  4/10 nước ASEAN.

Kết cấu hạ tầng hàng hải và hệ thống cảng biển của nước ta ngày càng được đầu tư phát triển cả về số lượng, quy mô, chuyên dụng hóa và hiện đại hóa theo khu vực, vùng miền. Tất cả các bến cảng và khu vực chuyển tải thuộc hệ thống cảng biển ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước và giữa Việt Nam với nước ngoài, đặc biệt có một số cảng, bến cảng đủ điều kiện tiếp nhận tàu biển loại lớn, hiện đại. Đến cuối năm 2012, có 39 cảng biển với trên 190 bến cảng có tổng chiều dài cầu cảng gần 42 km; năng lực thông quan gần 300 triệu tấn/năm và dự kiến đạt 290 triệu tấn hàng hóa thông quan, tăng gần 11,8 lần so với năm 1990.

Đội ngũ thuyền viên Việt Nam ngày càng được tăng cường cả về số lượng cũng như chất lượng và đến cuối năm 2012, Việt Nam có tổng số gần 34,6 nghìn thuyền viên, trong đó có gần 2.150 thuyền trưởng, trên 2.200 máy trưởng và gần 3.400 sỹ quan các loại, hạng. Mặt khác, do thuyền viên được đào tạo, huấn luyện theo quy định của pháp luật hàng hải Việt Nam, Công ước STCW 78/95 và sửa đổi năm 2010 nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài.

Các hoạt động của các loại hình dịch vụ hàng hải (đại lý, hoa tiêu, cung ứng, lai dắt, giao nhận, môi giới, bảo hiểm, cứu hộ, logistics...) phát triển theo hướng đa dạng hóa các thành phần kinh tế cùng tham gia. Đến cuối năm 2012, có gần 450 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, nếu không sẽ khó đạt được kết quả trong thời gian tới trong an toàn hàng hải.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về an toàn hàng hải góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ pháp luật hàng hải.

Các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật hàng hải hết sức đa dạng. Đó là các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người du lịch, ngư dân... Mỗi một chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật hàng hải như: vận tải biển, khai thác, đánh bắt xa bờ, du lịch biển... đều có những lợi ích của riêng mình. Tuy nhiên, lợi ích hợp pháp của các bên trong các quan hệ pháp luật hàng hải có thể bị xâm phạm hoặc gây thiệt hại của bên kia hoặc bên thứ ba. Nói cách khác, các chủ thể trong các quan hệ pháp luật hàng hải có thể gặp bất trắc liên quan đến vấn đề an toàn hàng hải, như tai nạn đâm va, chìm tàu.

Thứ tư, pháp luật về an toàn hàng hải góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển.

Pháp luật về an toàn hàng hải và các điều ước, thỏa thuận quốc tế về hàng hải mà nước ta là thành viên đã có tác động nhất định đối với quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. Với vai trò “đầu mối”, vừa có vị trí là “cầu nối” của quá trình lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước và giữa nước ta với các nước trên thế giới, hoạt động hàng hải luôn có mối liên kết khăng khít với các hoạt động khác. Thực tế cho thấy, ngành hàng hải cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là trước đòi hỏi ngày càng tăng về bảo đảm lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước và nước ngoài. Điều này khẳng định tính hiệu quả áp dụng của pháp luật về an toàn hàng hải không chỉ đối với hoạt động hàng hải mà còn góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, trong đó có phát triển kinh tế biển; pháp luật về an toàn hàng hải cũng đã góp phần nhất định vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là bảo đảm chủ quyền và thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia về biển. Mặt khác, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, đặt ra yêu cầu tăng cường hơn nữa.

 

Nguyễn Thị Hảo

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam- Vinalines

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền