Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới”
Thứ sáu, 30 Tháng 12 2016 16:34
3241 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới”

(LLCT) - Sáng  20 - 12 -2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì,  GS,TS Lê Ngọc Hùng làm Chủ nhiệm.

PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện, GS,TS Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học Chủ trỉ Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hải Dương…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện nêu rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và cách tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Đồng chí yêu cầu Hội thảo tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

- Thực trạng các chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới;

- Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới;

- Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo,  GS,TS Lê Ngọc Hùng nêu rõ mục tiêu cụ thể  của đề tài là nghiên cứu tổng quát cơ sở khoa học về các chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá thực trạng việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới; đánh giá kết quả, tồn tại, vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng như chính sách đảm bảo việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản giáo dục, y tế…; nghiên cứu đề xuất được giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Đó là các giải pháp về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; phát huy vai trò chủ thể của người dân; tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và giải pháp tăng cường sự phối hợp của các bên liên quan.

Các tham luận của các nhà khoa học tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về an sinh xã hội, như khái niệm an sinh xã hội, mục tiêu của an sinh xã hội trong tình hình hiện nay, an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế và vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện chính sách  an sinh xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Trong các báo cáo về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, mục tiêu, nội dung tiêu chí và chi tiêu về an sinh xã hội chưa được đề cập một cách cụ thể, rõ ràng. Việc hướng dẫn thực hiện, kết quả thực hiện và các báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện cho thấy chính sách chưa ngang tầm với yêu cầu  đặt ra. Do đó từ góc độ khoa học chính sách xã hội hiện đại cần tiếp tục nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn để tìm cách đổi mới tư duy và thực tiễn chính sách an sinh xã hội và tìm ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả các chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường thu thập, xử lý, phân tích và công bố các dữ liệu về an sinh xã hội ở nông thôn hiện nay còn rất thiếu để cung cấp các chứng cứ khoa học cho việc nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện chính sách và thực hiện xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững.

Các tham luận chỉ rõ: Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu về an sinh xã hội là một nội dung quan trọng của khoa học xã hội Việt Nam. An sinh   xã hội là một lĩnh vực đa dạng và có nhiều hướng nghiên cứu khác nhau, đó là:

- Nghiên cứu lý luận về an sinh xã hội, đặc biệt là nghiên cứu để tìm kiếm mô hình an sinh xã hội phù hợp với mô hình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam;

- Nghiên cứu chuyên ngành, chuyên sâu về các lĩnh vực bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp);

- Nghiên cứu chuyên ngành về các chính sách trợ giúp xã hội;

- Nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa chính sách an sinh xã hội với các chính sách kinh tế - xã hội khác nhau của Nhà nước;

- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thực hiện an sinh xã hội;

- Nghiên cứu, phân tích quá trình hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Các hướng nghiên cứu nêu trên đem lại cái nhìn đa chiều về lĩnh vực này, từ đó góp phần xây dựng và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các tham luận tại Hội thảo có giá trị tham khảo hữu ích trong việc hoạch định chính sách an sinh xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần vào phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ, trao đổi ý kiến, quan điểm tiếp cận vấn đề an sinh xã hội từ nhiều góc độ như luật học, kinh tế học, xã hội học, đánh giá đúng thực trạng, đề xuất những kiến giải, biện pháp  đối với những vấn đề mà nông nghiệp, nông thôn và người nông dân đang đặt ra. Đó là các giải pháp cơ bản liên quan đến an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới như: việc làm, hỗ trợ giáo dục, bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, bảo hiểm y tế, cứu trợ xã hội, các chính sách về môi trường, vấn đề xử lý rác thải, các dịch vụ cơ bản; tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội...

 

TS Đỗ Văn Quân – Viện Xã hội học

                   Mai Hạnh Trang – Nghiên cứu sinh Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền