Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo quan điểm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin
Thứ hai, 23 Tháng 4 2018 09:54
3548 Lượt xem

Tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo quan điểm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin

(LLCT) - Hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần phải dựa chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có các quan điểm trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin.

 

1. Tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị - yêu cầu cấp thiết và cấp bách hiện nay

Để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải quyết nhiều mối quan hệ lớn, cơ bản, trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, đổi mới chính trị chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa thực sự tạo động lực cho đổi mới kinh tế, thậm chí có biểu hiện cản trở sự phát triển kinh tế. Gần đây, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhận định: “tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”(1). Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã thiếu kiên quyết, đồng bộ. Công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế chưa chặt chẽ và chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối. Cơ chế khuyến khích sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp và thiếu mạnh mẽ. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức trong hệ thống chính trị chưa gắn kết chặt chẽ với tinh giản biên chế. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên, chưa xử lý nghiêm vi phạm trong sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được coi trọng và chưa được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực; công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng chưa kịp thời.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là: “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (...); phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ...„(2). Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và phức tạp. Nếu thực hiện không tốt việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, tác động xấu đến việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, thậm chí gây mất ổn định chính trị - xã hội. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tinh giản biên chế cần thiết phải dựa chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có các quan điểm trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”của V.I.Lênin.

2. Các giá trị bền vững trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin

Một là, đánh giá khách quan, khoa học tình hình để có cơ sở, căn cứ cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

V.I.Lênin đánh giá về bộ máy nhà nước xô viết: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ”(3). Người vạch rõ các khuyết điểm của nhà nước xô viết: sốt sắng, hấp tấp, vội vàng, quan liêu, thủ cựu, bảo thủ, không muốn đổi mới…

Theo V.I.Lênin, nguyên nhân của tình trạng trên là: “Từ trước đến nay, chúng ta có quá ít thời gian để nghĩ đến và chú trọng đến chất lượng của bộ máy nhà nước của chúng ta”(4). Hơn nữa, tình trạng đó còn do quá trình cải tiến bộ máy không hiệu quả: “Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động, qua năm năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác. Nhìn hoạt động phí công ấy thì tưởng là chúng ta công tác, nhưng thực tế, hoạt động đó đã làm cho những cơ quan và đầu óc của chúng ta đóng cáu lại”(5). Ngoài ra, những hạn chế của bộ máy nhà nước do các nguyên nhân khách quan như: cuộc nội chiến kéo dài chống sự can thiệp của các nước đế quốc và bọn phản động trong nước; các nước phương Tây sau thất bại trong nội chiến và can thiệp quân sự vào nước Nga lại tăng cường phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga.

Từ đó, Người đặt ra yêu cầu: “nên quan tâm chỉnh đốn bộ máy đó một cách thật đặc biệt và chu đáo, quan tâm tập trung cho Bộ dân ủy thanh tra công nông một số nhân viên có phẩm chất cao...”(6).

Hai là, giữ vững quy tắc “Thà ít mà tốt”trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong cải cách bộ máy nhà nước phải tuân theo quy tắc “thà ít mà tốt” bởi lẽ chỉ tuân theo quy tắc đó thì mới đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô - viết”(7). Tuy nhiên, V.I.Lênin chỉ rõ việc thực hiện quy tắc gặp vô vàn khó khăn, trở ngại: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn. Tôi biết là quy tắc ngược lại thế sẽ tự mở cho nó một con đường bằng muôn nghìn ngõ ngách. Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự lại một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường; rằng công tác ấy, ít nhất là trong những năm đầu, sẽ vô cùng ít hiệu quả”(8).

Ba là, xác định khâu đột phá trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, V.I.Lênin chọn khâu đột phá là cải tổ Bộ Dân ủy thanh tra công nông, thông qua cải tổ cơ quan này để tác động đến tổ chức bộ máy nhà nước, làm rung chuyển toàn bộ bộ máy nhà nước. Người chỉ rõ nhiệm vụ: “phải làm cho Bộ Dân ủy thanh tra công nông, công cụ để cải tiến bộ máy của ta, thành một cơ quan thật sự gương mẫu”(9). Muốn thiết lập được bộ dân ủy mới đó thì phải: sử dụng một cách hết sức thận trọng, có suy nghĩ kỹ và với một sự am hiểu cặn kẽ tất cả những gì thật sự ưu tú trong chế độ xã hội của chúng ta.

Bốn là, đổi mới công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Về công tác lựa chọn cán bộ, Người yêu cầu: “phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan…” và “phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ Dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một số kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”, lựa chọn “những công nhân mà chúng ta chỉ định là ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương phải là những người cộng sản không thể chê trách được”(10).

Theo V.I.Lênin, lựa chọn cán bộ vào các cơ quan thuộc Bộ dân ủy thanh tra công nông phải có đủ bốn điều kiện: (1), họ được nhiều đảng viên cộng sản giới thiệu; (2), họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết về bộ máy nhà nước của chúng ta; (3) họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết lý luận thường thức về bộ máy nhà nước của chúng ta, những nguyên tắc của khoa học quản lý, những giấy tờ sổ sách…; (4), họ phải phối hợp tốt công tác với những ủy viên Ban kiểm tra trung ương và với ban thư ký riêng của mình, sao cho chúng ta có thể đảm bảo cho toàn thể bộ máy chạy tốt.

Muốn lựa chọn đúng người, cần lập hai tiểu ban: cử một tiểu ban chịu trách nhiệm thảo chương trình sơ bộ cho những kỳ thi tuyển người muốn vào làm việc ở Bộ Dân ủy thanh tra công nông; cũng như cho những người định tuyển vào chức vụ “ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương”; “Đồng thời phải cử ra một tiểu ban trù bị có trách nhiệm tìm những người để tuyển vào chức vụ ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương”. V.I.Lênin chỉ rõ: phải mất nhiều công phu mới lập được bản danh sách những người định tuyển.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,V.I.Lênin cho rằng: phải nỗ lực lâu dài để huấn luyện cho họ hiểu biết những phương pháp và những mục tiêu công tác. Trước hết, phải tổ chức soạn sách giáo khoa về công tác tổ chức nói chung, và đặc biệt là về công tác quản lý. Cử người có năng lực và tận tâm sang Đức, Mỹ, Canada, Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề.

Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”,V.I.Lênin có khá nhiều chỉ dẫn về đổi mới công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những chỉ dẫn là phương thức quan trọng để cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước một cách có hiệu quả. Những quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị đối công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Năm là, điều kiện, yêu cầu cơ bản trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả hoạt động cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước,V.I.Lênin chỉ ra điều kiện cơ bản là phải có tri thức, phải gắn lý luận với thực tiễn: “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thực sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”(11). Đây là điều kiện cần thiết để tiến hành nhiệm vụ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Trong cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cần nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra nhằm sáng tạo ra cái tốt hơn, thực sự không chê trách được, buộc mọi người phải tôn trọng. Bên cạnh đó, tác dụng của công tác kiểm tra nhằm thể hiện thái độ bất tín nhiệm bổ ích đối với lối cứ khinh suất muốn lao bừa lên, đối với mọi lối huênh hoang… Muốn phát huy được tác dụng của công tác kiểm tra, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó”(12).

Sáu là, cần kết hợp giữa tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước với cơ quan đảng cùng cấp.

V.I.Lênin cho rằng: “có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền”(13). Người luận giải các căn cứ để thực hiện sự kết hợp giữa tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước với cơ quan đảng cùng cấp vì ba lý do sau: một là, trên thực tế có sự kết hợp vô cùng có ích giữa Bộ dân ủy ngoại giao với cơ quan ngoại giao của Đảng; hai là, sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng tạo ra một nguồn sức mạnh phi thường; ba là, vì lợi ích của công việc đòi hòi cần hợp nhất một cách độc đáo giữa bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền, là điều đảm bảo duy nhất cho một hoạt động có kết quả.

3. Thực hiện tốt nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hệ thống chính trị

Yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các quan điểm của V.I.Lênin trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”. Trong thời gian tới, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị.

Hai là, tiến hành phân tích, đánh giá tổ chức để xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan; xác định biên chế tổ chức, theo hướng rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm.

Ba là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tinh gọn tổ chức bộ máy của từng thành viên trong hệ thống chính trị và toàn hệ thống chính trị với nhiệm vụ tinh giản biên chế.

Bốn là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy.

Năm là, thực hiện giao và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.

Sáu là,tổng kết các mô hình thí điểm về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nhân rộng mô hình hiệu quả.

__________________

(1), (2),  Đảng Cộng sản Việt Na, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.38, tr.45-46.

(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (11), (12), (13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tr 442, 442, 445, 442, 445, 445, 444, 446, 444, 443, 452.

TS Lê Thị Minh Hà

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền