Trang chủ    Thực tiễn    Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay và những vấn đề đặt ra
Thứ hai, 13 Tháng 4 2020 19:53
2870 Lượt xem

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay và những vấn đề đặt ra

(LLCT) - Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” ngày 25-10-2017 đến nay đã triển khai được hai năm. Nghị quyết đã được thể chế hóa thành nhiều văn bản do Quốc hội, Chính phủ ban hành. Quá trình thực hiện bước đầu đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong đổi mới, sắp xếp các cơ quan nhà nước tương đồng hoặc trùng chéo về chức năng trong hệ thống. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những khó khăn khiến việc sắp xếp ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả cao. Trong thời gian tới, cần xác định đúng trọng tâm để việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đạt kết quả mong muốn.

Từ khóa: bộ máy nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị.

1. Thực tiễn triển khai chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong hệ thống chính trị

1.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, về xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy nhà nước

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai cụ thể, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng Bộ, ngành và địa phương. Theo Chương trình hành động(1), Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định về lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, gồm: Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22-11-2018 về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính và Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 5-6-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 1-2-2016 quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.

Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chính phủ đã ban hành 22 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm cấp trung gian, giảm đầu mối bên trong, giảm tối đa số lượng phòng trong cục, vụ; cơ bản không chuyển vụ thành cục; giảm số lượng lãnh đạo cấp phó gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động; khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5-5-2014 của Chính phủ quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định thay thế Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28-6-2012 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định thay thế Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8-3-2010 về quản lý biên chế công chức; (6) Nghị định thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8-5-2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, về tổ chức thí điểm sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Căn cứ Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 của Bộ Chính trị, các địa phương đã thực hiện thí điểm hai nội dung lớn: Một là, hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông; Hai là, hợp nhất cơ quan chuyên môn với các tổ chức tham mưu, giúp việc của đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 580/2018/

UBTVQH14 ngày 4-10-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ở cấp tỉnh thực hiện thí điểm bốn nội dung: (1) thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông, theo đó hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; (2) thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn với các tổ chức tham mưu, giúp việc của đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, theo đó hợp nhất Ban Tổ chức tỉnh ủy với Sở Nội vụ, hợp nhất Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; (3) thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại 11 địa phương, gồm: Đà Nẵng, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Tiền Giang, Yên Bái và Long An; (4) thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hóa.

Ở cấp huyện, thực hiện thí điểm hai nội dung: (1) thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn với các tổ chức tham mưu, giúp việc của đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng (Ủy ban kiểm tra với Thanh tra huyện); (2) thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, các địa phương đã chủ động xây dựng Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, các cơ quan này hầu hết được sắp xếp, kiện toàn đồng bộ, thống nhất theo các quy định, bảo đảm việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; phân định rõ hơn chức năng và mô hình tổ chức của chính quyền đô thị với chính quyền ở nông thôn.

Thứ ba, về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động thực hiện việc rà soát số liệu để xác định số lượng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã (trong đó có 7 tỉnh thực hiện sắp xếp cả ĐVHC cấp huyện)(2).

Đối với cấp huyện, số lượng các ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 19 đơn vị(3). Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 9 ĐVHC huyện thuộc diện phải sắp xếp; còn 10 ĐVHC cấp huyện thì đề nghị chưa tiến hành sắp xếp đợt này(4). Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn đề nghị sắp xếp 1 ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích. Kết quả, có 18 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp, bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 01 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Dự kiến, số lượng ĐVHC cấp huyện giảm là 6 đơn vị. Trong đó: tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (3/13 ĐVHC cấp huyện, tỷ lệ giảm 20,08%), tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện (1/14 ĐVHC cấp huyện, tỷ lệ giảm 7,14%), tỉnh Quảng Ninh giảm 1 huyện (1/14 cấp huyện, tỷ lệ giảm 7,14%), tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện (1/15 ĐVHC cấp huyện, tỷ lệ giảm 6,67%); các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp các ĐVHC cấp huyện nhưng không giảm được số lượng ĐVHC cấp huyện.

Đối với cấp xã, số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 631 đơn vị(5). Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 553 ĐVHC cấp xã; còn 78 ĐVHC cấp xã thì đề nghị chưa sắp xếp đợt này. Kết quả, có 1.072 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp. Bao gồm 553 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 118 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 401 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp. Dự kiến, số lượng ĐVHC cấp xã giảm là 564 đơn vị. Trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 28,09%), Cao Bằng giảm 38/199 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 19,10%), Phú Thọ giảm 52/277 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/262 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 17,56%), Thanh Hóa giảm 76/635 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,97%), Quảng Trị giảm 16/141 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,35%), Lạng Sơn giảm 26/226 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,50%), Hải Dương giảm 29/264 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 10,98%)(6).

Thực tiễn cho thấy các địa phương đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu là giảm số lượng ĐVHC, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp. Đồng thời, có phương án chi tiết về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

1.2. Những hạn chế, khó khăn trong tổ chức thực hiện

Về thể chế, một số quy định, hướng dẫn của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một số nội dung mới về tổ chức bộ máy chậm ban hành để thực hiện, trong đó có các quy định về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập tổ chức; số lượng biên chế tối thiểu; số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương quyết định sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Về tổ chức bộ máy, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động trong việc sắp xếp tổ chức, đẩy mạnh tự chủ và đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng kết quả thực hiện còn chậm và chưa được sự đánh giá cao từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ để thẩm định, nhiều tỉnh, thành phố sau khi được Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định, nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ đề án để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án nhưng tiến độ thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn chậm so với kế hoạch. Các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp 9/15 ĐVHC cấp huyện, mới đạt tỷ lệ 60% so với số lượng các ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp)(7) chưa thể hiện được quyết tâm thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện. Sau sắp xếp thì số lượng các ĐVHC cấp huyện chỉ giảm được 6/15/713 ĐVHC cấp huyện (đạt tỷ lệ giảm là 0,8% trên tổng số ĐVHC cấp huyện của cả nước).

Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất; cơ cấu lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở một số địa phương còn chưa hợp lý, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn, vướng mắc bất cập chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời. Nhiều ĐVHC mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng nhiều địa phương chưa lý giải rõ các yếu tố đặc thù.

Việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện được. Trong điều kiện Chính phủ mới ban hành Nghị định số 34/2019/CP-NĐ ngày 24-4-2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng tại mỗi ĐVHC cấp xã giảm 2 cán bộ, công chức cấp xã; giảm từ 7-9 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trong khi số lượng những người nghỉ hưu đúng tuổi, thực hiện tinh giản biên chế chưa nhiều nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp theo quy định.

2. Một số vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị

Đảm bảo tính hệ thống và nhất quán trong thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

Một là, thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy đảng cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cần thực hiện theo Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Hai là, thí điểm hợp nhất ba Văn phòng gồm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần thực hiện theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội.

Ba là, thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn khác có chức năng, nhiệm vụ liên thông hoặc tương đồng do địa phương đăng ký và cần được thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết riêng về việc thí điểm này.

Đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý khi sắp xếp và áp dụng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Do số lượng biên chế dôi dư nhiều sau sắp xếp, cần bảo đảm đồng bộ khi triển khai thực hiện việc sắp xếp, bố trí và giải quyết hợp lý chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.

Để đảm bảo đồng thuận về tư tưởng, tâm lý trong quá trình triển khai sắp xếp cũng như áp dụng chế độ, chính sách đúng đối tượng như sắp xếp ai, vào vị trí nào, cơ sở để sắp xếp bố trí là gì cần nhanh chóng rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm. Từ đó, tổng hợp rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và xây dựng Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị.

Đặt trọng tâm của quá trình tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy vào đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn tiếp theo

Thực tiễn cho thấy, trong tổng thể hệ thống chính trị nói chung, bộ máy nhà nước nói riêng, số lượng người nằm trong biên chế thuộc đơn vị sự nghiệp chiếm tỷ lệ đông đảo nhất. Đồng thời, số lượng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan trong hệ thống cũng lớn nhất, nhiều cơ quan có chức năng trùng nhau, bộ máy cồng kềnh. Do đó, thời gian tới cần tập trung cải cách bộ máy và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Trong đó tập trung vào giải quyết các vấn đề sau:

Một là, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Tăng cường kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý cung cấp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

 Hai là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập. Sớm hoàn thiện việc xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương và Đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương theo lộ trình đến năm 2030; Hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; Xây dựng, hoàn thiện tiêu chí cụ thể phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Ba là, sắp xếp, tổ chức lại cơ chế hoạt động bên trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh cung ứng và xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; hoàn thiện cơ chế tài chính và cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Xây dựng và ban hành quy trình về chuyên môn, nghiệp vụ; các tiêu chuẩn, định mức cụ thể; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để các đơn vị nghiệp công lập thực hiện, bảo đảm chất lượng dịch vụ và để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

 (1) Bộ Nội vụ được giao xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 10 Nghị định

về lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế.

(2), (6) Nguồn: Bộ Nội vụ.

(3), (5) Theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.

(4) Trong đó, có 4 ĐVHC cấp huyện đặc thù về vị trí địa lý do nằm cách biệt nên không thể sắp xếp được với ĐVHC cùng cấp liền kề là: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cổ (Quảng Trị), Tân Phú Đông (Tiền Giang).

(7) Không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên chưa thực hiện sắp xếp.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” ngày 25-10-2017.

Bộ Chính trị: Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

2. Bộ Chính trị: Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 7-8-2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

3. Bộ Nội vụ: Báo cáo số 5363/BC - BNV của Bộ Nội vụ ngày 4-11-2019 về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

4. Chính phủ: Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

5. Chính phủ: Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Chính phủ: Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng Hội đồng nhân dân và văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

7. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

TS Đào Thị Thanh Thủy

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền